Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Tài liệu Huấn luyện cho Tiểu Ban Huấn Luyện

DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
Huynh đệ đoàn QG VIỆT NAM
HĐĐ Miền Huế
Tiểu Ban Huấn Luyện
---0---











 


Tài liệu Huấn luyện
cho Tiểu Ban Huấn Luyện
Ngày 14-05-2008
PSTT Miền Huế
Bài 1 : PHỤ TRÁCH HUẤN LUYỆN, ANH CHỊ LÀ AI ?
(JB. Nguyễn Đính Chi)
I.Nhập đề : TÌM HIỂU TÊN GỌI “PHỤ TRÁCH HUẤN LUYỆN”
   Trong một HĐĐ Phan Sinh, bất cứ ở cấp nào, Luật và Hiến chương cũ hay mới đều nói tới một người phụ trách về học tập. Luật cũ do Đức Lêô 13 (1883) và Hiến chương năm 1957, điều 136 gọi người Phụ Trách Huấn Luyện là Tập Sư
    Luật mới do Đức Phaolô VI (1978) và Hiến chương năm l990 gọi người này là Phụ Trách Huấn Luyện (Responsable de là Formation) (HC 37.2; 49.2; 52.3) 
II. HIẾN CHƯƠNG NÓI GÌ VỀ NGƯỜI PHỤ TRÁCH HUẤN LUYỆN ?
    Người PTHL được nhắc tới nhiều nhất trong Hiến chương và Sách Nghi thức Dòng PSTT. Chúng ta cùng xem lại để biết Hiến Chương và Sách Nghi thức nói gì về người PTHL :
1.      HC đ 37.2 liệt kê danh sách những người có trách nhiệm huấn luyện các ứng sinh đến tìm hiểu Dòng PSTT như sau :
a.  Chính ứng sinh : Vì chính người đó đã được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, hướng dẫn nên phải tự mình học hỏi, cố gắng cảm nghiệm những điều mình đã học, mới mong có kết quả.
b.  Toàn thể Huynh đệ đoàn : mọi người trong HĐĐ phải đón tiếp cầu nguyện cho người mới đến và làm gương sáng cho họ.
c.      A/C Phục vụ và Ban Phục Vụ: A/C Phục vụ giới thiệu, ghi tên, thăm hỏi một cách trân trọng.
d.      A/C Phụ Trách Huấn Luyện : Niềm nở ghi tên, tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình vì chính người này (PTHL) có trọng trách huấn luyện trong các giai đoạn sau.
e.      Vị Trợ úy tinh thần : Vị Trợ úy là linh hồn của HĐĐ. Nếu một người  muốn đến với HĐĐ, biết HĐĐ có vị Trợ úy hướng dẫn phần thiêng liêng chắc họ sẽ vững dạ tin tưởng hơn. Vị này sẽ theo dõi hướng dẫn tinh thần.
Theo nguyên tắc, thì A/C Phụ Trách Húân Luyện đứng hàng thứ 4 và vị Trợ úy đứng hàng thứ 5. Song trên thực tế thì :
a.      Chúa Thánh Thần là vị Thầy huấn luyện chính yếu
b.      A/C PTHL phải bảo đảm việc huấn luyện từ đầu đến khi khấn.
c.      Còn vị Trợ Úy tinh thần, tuy đứng hàng thứ 5, song nhiệm vụ cũng nặng nề và quan trọng. VỊ Trợ úy sẽ giúp huấn luyện khởi đầu và thường xuyên cho anh chị em cách hữu hiệu (HC 89.4)
2.      Theo Hiến Chương, AC/PTHL là thành phần của BPV/HĐĐ (HC 49.2) và là thành phần quan trọng và cốt yếu.
 III. 10 TIÊU CHUẨN ĐỂ CHỌN NGƯỜI PTHL.
1.      Là một PSTT đã khấn trọn
2.      Có đời sống nhân bản tốt, không tai tiếng, được nhiều người kính nể
3.      Là Kitô hữu tốt, sống đạo với đức tin vững chắc, hiểu giáo lý, yêu Chúa và tha nhân qua hành động, là người thực hành trọn vẹn 3 chức vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế.
4.      Là một Phan Sinh tốt, được thử luyện, có kinh nghiệm, có xác tín về đường lối Phan Sinh. Có tương quan tốt với mọi người trong HĐĐ.
5.      Có khả năng hiểu biết về giáo lý Công giáo, Kinh Thánh và tất cả các tài liệu PS cơ bản, đồng thời có khả năng trình bày những điều mình hiểu biết.
6.      Được nhiều người tín nhiệm và được đánh giá là người suy nghĩ đúng, cảm xúc đúng, hành động đúng và lời nói luôn đi đôi với việc làm.
7.      Biết hy sinh thời giờ để nghiên cứu, tìm tòi, tự học.
8.      Biết từ bỏ “cái tôi” không đề cao dưới mọi hình thức; biết lắng nghe lời phê bình để sửa chữa (Huấn ngôn 22)
9.      Thể hiện tinh thần huynh đệ, hoà nhập với tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ giàu nghèo.
10. Ý thức mình là người “tạo dáng” cho ACE.PSTT sau này.
IV.NHIỆM VỤ CỦA ANH CHỊ PTHL.
1.      Với người mới đến :
      a.- Lo đón tiếp niềm nở, ghi tên tuổi, gia cảnh, người phối ngẫu, địa chỉ, văn hoá...
      b.- bảo đảm việc huấn luyện và sinh hoạt của các ứng sinh từ khởi đầu cho tới lúc khấn vĩnh viễn.
      c.- Theo dõi việc học tập và các sinh hoạt của các anh chị em mới đến và cổ võ sao chọ họ tham dự thường xuyên
      d.- Cho Hội Đồng HĐĐ biết ứng sinh có xứng đáng vào Dòng (nhập gia), cũng như có xứng đáng tuyên khấn hay không. (HC42)
2.      Với người đã tuyên khấn (Thường huấn)
      a.- Cộng tác với A/C PV để huấn luyện những người đã tuyên khấn vĩnh viễn giúp họ thường xuyên hoán cải và chu toàn sứ mạng trong Hội Thánh và trong xã hội.
      b.- Cộng tác với A/C PV để đào sâu ơn goị PS bằng những khoá huấn luyện, các cuộc gặp gỡ và cập nhật hoá trình độ của anh chị em, sao cho kịp với nhịp độ của Hội Thánh (HC 44)
3.      Với Ban phục Vụ
a.      Góp ý với BPV để tổ chức các giờ cầu nguyện, các buổi phụng vụ, các cuộc hành hương.
b.      Với sự đồng ý của A/C PV, phụ trách phần nghi lễ khi có người nhập Dòng, tuyên khấn,
c.      Đọc và phổ biến các tin tức về Hội Thánh, về gia đình PS và các tin tức hữu ích khác.
4.Đối với vị Trợ úy và các Linh hoạt viên
d.      luôn luôn liên lạc, trao đổi với vị Trợ úy và các Linh hoạt viên về cách huấn luyện người mới đến cũng như những người đã tuyên khấn vĩnh viễn.
e.      khéo léo tranh thủ sự nâng đỡ của vị Trợ úy và Linh hoạt viên không thuộc Dòng Phan Sinh, đồng thời gợi ý sao cho các vị này yêu mến Thánh Phanxicô và linh đạo Phan Sinh để họ giúp đỡ HĐĐ cách đắc lực hơn.
     Nói tóm lại, A/C PTHL phải là người có đời sống chứng tá, có hiểu biết và khả năng truyền đạt. Trong thực tế, A/C PTHL hy sinh nhiều, đồng thời cũng học hỏi được nhiều và thường được mọi người yêu mến nể vì.
   Chúc các anh các chị trở thành những người PTHL ưu tú của HĐĐ.
    Câu hỏi thảo luận
1.      Đối với 10 tiêu chuẩn để chọn PTHL, A/C cho rằng những tiêu chuẩn nào quan trọng nhất ? Hãy xếp theo thứ tự ưu tiên?
2.      Trong thực tế ta chọn người PTHL như thế nào?
3.      Thực tế trong HĐĐ của anh chị, người Phụ Trach Huấn Luyện có được các thành viên yêu mến và tin tưởng không ? Có thì tại sao? Không thì tại sao ? (thành thật tự phê)
4.      Hướng khắc phục của A/C PTHL khi nhận ra bản thân mình chưa được anh chị em kính nể và tin tưởng.
Bài 2 : PHỤ TRÁCH  HUẤN LUYỆN
ANH CHỊ HUẤN LUYỆN THẾ NÀO ?
(hay kỹ năng huấn luyện)
Đa-minh Nguyễn Văn Kim
   
Trong HĐĐ, người PTHL có một vị trí và một vai trò hết sức quan trọng. Cùng với vị Trơ Úy tinh thần, người PTHL là linh hồn của HĐĐ. Anh chị em trong HĐĐ có yêu thích, thấm nhuần Linh Đạo và có tinh thần Phan Sinh hay không phần lớn là hệ tại người PTHL. Thế nhưng để truyền đạt tinh thần Phan Sinh cho anh chị em mình, người PTHL ngoài gương sáng sống động còn phải biết giảng dạy. Nói đến giảng dạy là nói đến phương pháp kỹ năng giảng dạy. Giảng dạy một môn thường, đã là điều khó và đòi hỏi một nghệ thuật, một kỹ năng rồi, huống chi đây lại là huấn luyện con người, huấn luyện tinh thần thì quả là khó hơn và cần đến kỹ năng hơn.
   Nhưng anh chị hãy cứ yên tâm và tự tin, vì khi được anh chị em trong Đoàn chọn làm PTHL là ta đã có một cái gì đó ít nhiều thích hợp với công việc cao quý này. Vả lại Chúa đã dạy :”Các con đừng sợ phải nói gì, làm gì, Chúa Thánh Thần dẽ dạy các con nói và làm” Hơn nữa các bạn hãy nhớ lời THC dạy :”...Chúa Thánh Linh là vị thầy huấn luyện chính yếu...” (HC 37,2). Như vậy, xin anh chị em đừng lo lắng quá mức. Chúng ta hãy nhiệt tâm tìm hiểu, học tập trước rồi mạnh dạn đến với anh chị em bằng tình huynh đệ Phan Sinh chân thành. Chúa sẽ trợ giúp và kết quả sẽ tốt đẹp.
   Sau đây là một số kỹ năng huấn luyện mà người PTHL cần biết.
I.SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ KỸ NĂNG
TRONG VIỆC HUẤN LUYỆN.
  Tại sao người PTHL phải trau dồi kỹ năng ?
1.      Trước mắt, để có thể thu hút đối tượng được huấn luyện, làm cho họ tin tưởng yêu thích ngay từ đầu và quyết tâm học tập.
2.      Có kỹ năng để tình bày nội dung bài học một cách sáng sủa rành mạc, có trọng tâm, không lan man, làm loảng bài học. PTHL có thể là người rất giỏi, hiểu biết nhiều, nhưng nếu gặp đâu nói đó, nói nhiều, nói cao quá cũng làm cho học viên khó tiếp thu, không biết đâu là cái gốc, cái chính.
3.      Huấn luyện có kỹ năng sẽ không làm cho học viên mệt mỏi, buồn chán mà trái lại giúp học viên nắm được các điều cơ bản để ghi chép, để nhớ bài mau chóng, có khi thuộc ngay bài.
Có kỹ năng mới đạt được mục đích bài học là làm cho học viên đón nhận bài ta giảng dạy một cách xác tín và họ cảm thấy hài lòng về bài học, không chút nghi ngờ, không cảm thấy bị áp đặt.
II.CÁC ĐIỀU KIỆN NGƯỜI PTHL PHẢI CÓ
HOẶC PHẢI TRAU DỒI ĐỂ CÓ.
1.      Bản thân PTHL tuyệt đối phải xác tín vào những điều mình truyền đạt. quả vậy, cài gì ta xác tín mạnh mẽ, thì mới trình bày rõ tàng cho người khác được. Đối với tinh thần và đường lối Phan Sinh chẳng hạn, PTHL phải coi là lý tưởng duy nhất của đời mình, và xem vườn hoa Phan Sinh là đầy đủ nhất, tươi đẹp nhất, tinh tuyền nhất đưa ta đến đích trọn lành, không nghi ngờ gì nữa. Chúa đã gọi ta đi trên con đường trong sáng, không một bóng tối, ta chẳng nên nghi ngờ hoang mang giao động.
2.      PTHL phải trau dồi khả năng thu hút người khác – bằng lời nói (nói rõ ràng, rõ tiếng, không cầu kỳ, huyênh hoang hay kiêu ngạo mà trái lại chân thành và khiêm tốn) – bằng tác phong (giản dị, đơn sơ) – bằng uy tín (qua tinh thần phục vụ, qua quá trình cộng tác, và qua lòng gắn bó với HĐĐ)
3.      PTHL phải biết về tâm lý để đánh giá đúng học viên, đồng trời uyển chuyển trong kỹ thuật lựa chọn phương pháp. Tâm lý đây không thuần tuý là khoa tâm lý trong sách vở mà là tâm lý trong cuộc sống. Ai cũng có cá tính riêng của mình. Ta tìm hiểu họ qua cá tính, môi trường sinh hoạt, gia đình bạn bè... để có cách đối xử thích hợp, hầu thu hút họ và huấn luyện họ.
4.      Sau hết PTHL phải ý thức tầm quan trọng của công việc mình làm, từ đó sẽ ra sức nâng cao về trình độ hiểu biết về Phan Sinh học, bằng cách tìm hiểu nghiên cứu sách vở và tham khảo các tài liệu cách kỹ lưỡng, để dần dần trình độ của mình có thể vươn cao hơn trình độ của những anh chị em đang thụ huấn.

III.NỘI DUNG CỦA KỸ NĂNG HUẤN LUYỆN ;
1.      Chuẩn bị :
a.      Nghiên  cứu hoàn cảnh từng học viên bằng cách quan sát, phân loại đánh giá trình độ, để sau đó chọn một trong 3 cách trình bày sau đây : - giảng thành đề tài (nếu trình độ cao),
    - hỏi thưa (nếu trình độ trung bình)
    - và kể chuyện, (nếu trình độ thấp).
b.      Soạn bài : Đây là một khâu quan trọng, quyết định phần lớn sự thành công của giờ huấn luyện. Không soạn bài thì không thể giảng dạy được.
    Soạn bài cũng là một cách học trước để nắm được chủ đề. Khi soạn có tham khảo tài liệu và chọn lựa tài liệu. Không phải cứ nguyên văn tài liệu mà nói hết ra nhưng phải đọc kỹ tài liệu, phân đoạn rõ ràng, rút ra các ý chính rồi làm một bài tóm tắt theo trình tự, có mạch lạc, gạch dưới các điểm chính yếu.
c.      Thấy trước những tình thế bất trắc có thể xảy ra (bài khó, nhiều vấn đề phức tạp, học viên thắc mắc), để tìm cách giải quyết thoả đáng, không bị động. trong trường hợp lúng túng, phải khiêm tốn, trả lời khôn khéo, đừng trả lời bôi bác, đừng hù doạ để giữ uy tín hoặc làm ra vẻ mình giỏi giang hơn người.
d.      Có thể đặt câu hỏi kiểm tra ngay tại lớp, xem học viên có hiểu bài không.
e.      Sau hết, khi chuẩn bị phải lưu ý đến yếu tố thời gian đừng để “cháy giáo án” tức là hết giờ mà bài chưa hết, phải kéo dài thêm làm cho lớp học nặng nề, người nghe mệt mỏi, sốt ruột, hoặc phải “chạy nước rút” thì sẽ không đem lại kết quả mong muốn.
2.      Trình bày : Có nhiều cách trình bày bài giảng, nhưng cốt yếu là phải rõ ràng và dễ tiếp thu. Kinh nghiệm cho thấy cách trình bày tốt nhất là vừa giảng vừa ghi lên bảng dàn bài tóm tắt các ý tưởng từ đầu đến cuối. Dàn bài phải ghi những ý chính, chứ không phải chỉ ghi số thứ tự. Dàn bài được viết từ từ, nếu viết hết lên bảng thì người nghe sẽ không chú ý mấy và chỉ chờ đoạn cuối, mất hết hứng thú.
   Lúc trình bày có những việc sau đây phải làm :
   - NÓI : rõ ràng, dùng từ chính xác, biết thay đổi giọng nói, lúc khoan lúc nhặt, lúc hùng mạnh, lúc quả quyết, lúc tâm tình, chia sẻ.
   - DẪN CHỨNG : Chủ yếu trích từ Lời Chúa trong Phúc Âm, từ lời giảng của các Thánh và các nhà giảng thuyết danh tiếng, từ sách báo, hoặc từ đời sống thực tế và kinh nghiệm cá nhân... Tuy nhiên không nên nói nhiều về mình, đề cao mình làm người nghe khó chịu. Phải hết sức tế nhị khi dẫn chứng.
   - NỘI DUNG : Phải theo sát chủ đề, sát chương trình, đừng đem các ý tưởng không ăn khớp với chủ đề để tỏ ra mình hiểu biết nhiều, cho dù có biết nhiều đi nữa, làm như thế sẽ làm cho bài bị loãng đi, và các học viên cảm thấy hoang mang hoặc cảm thấy mình kém quá, đâm ra thụ động, không dám đóng góp ý kiến. Huấn luyện Phan Sinh thì chỉ nên xoáy vào các ý tưởng Phan Sinh. Không nên đưa nhiều thuyết xa lạ vào, kẻo học viên lạc hướng.
   - CÁCH ĐỨNG NGỒI – ĐỌC HAY NÓI: Đã gọi là đứng lớp thì nên đứng là hơn. Ở thế đứng, ta dễ nhìn bao quát lớp học và thấy được phản ứng của học viên qua ánh mắt của họ.  Nếu cần, có thể đọc một đoạn sách hay một tài liệu, để việc dẫn chứng được chính xác, nhưng không nên lấy tài liệu đọc nguyên văn rồi ê a phân tích hết đoạn này đến đoạn kia. Tài liệu là để cho anh chị em nghiên cứu trước ở nhà, khi đến lớp chỉ còn dẫn giải và để học viên trao đổi.
3.      Trao đổi : Buổi học nào cũng nên dành một khoảng thời gian để học viên có giờ phát biểu và trao đổi. Ta nên khuyến khích họ cùng suy nghĩ và nói lên các cảm nghĩ riêng của mình. Nếu họ có phát biểu sai, với giọng điệu ngang ngược, thì PTHL phải kiên nhẫn, bình tính lắng  nghe... Để “hoãn binh”, PTHL có thể mời người khác góp ý trước. Cuối cùng PTHL đúc kết các ý kiến và đưa ra ý kiến cách vui vẻ quảng đại.
4.      Thâu hoạch – Kiểm tra theo dõi kết quả : Sau vài kỳ học, có thể thu hoạch làm kiểm tra bằng :
·                     Câu hỏi viết : Câu hỏi phải soạn trước rõ ràng để khi trả lời không hoang mang, mà sát với vấn đề muốn hỏi, không làm cho học viên hiểu sai ý câu hỏi.
·                     Bằng cách yêu cầu một vài người kể lại những trường hợp liên quan đến bài học mà họ đã gặp, để minh học các ý tưởng chính trong bài đã học.
·                     Bằng cách đặt một vấn đề, hay nghĩ ra một trường hợp liên quan đến bài học rồi mời học viên phát biểu và tìm cách giải quyết theo tinh thần bài học.
·                     Bằng cách tiếp xúc, thăm viếng, truyện trò với từng học viên, giao công tác cho họ. Quan sát xem học viên có siêng năng đến lớp, có học hỏi cách vui thích, có sẵn sàng hy sinh thời giờ để học hỏi, và khi học hỏi có ghi chép cẩn thận, có hăng say đóng góp ý kiến và làm bài cẩn thận không. Quan trọng nhất là quan sát các chuyển biến tâm lý nơi học viên như gắn bó với HĐĐ, mong muốn tập luyện các nhân đức, và ước ao được tuyên khấn sau này.
 KẾT LUẬN:
   Còn có nhiều phương pháp trình bày bài học. Mỗi người PTHL sẽ tuỳ theo khả năng Chúa ban mà soạn phương pháp thích hợp với mình và thích hợp với học viên nhất... Tuy nhiên có một vài điều mà phương pháp nào cũng không thể bỏ qua được : Đó là
1.  Cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Linh giúp đỡ;
2.  Có nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm;
3.  Chuẩn bị bài dạy cách kỹ lưỡng;
4.  Có xác tín về lý tưởng Phan Sinh để dễ dàng chia sẻ cho người khác.
5.  Khiêm tốn, lắng nghe và quyết tâm làm việc chỉ vì Chúa và vì anh em. Luôn tỏ ra kiên nhẫn và đầy tình huynh đệ.
CÂU HỎI THẢO LUẬN.
1.  Làm PTHL mà nhút nhát có được không ?
2.  Làm PTHL mà ăn nói ba hoa có đúng tinh thần Phan Sinh không?
3.  Lúc giảng bài phải theo phương pháp 3D (ba dê). 3D là gì ?1
4.  (câu hỏi chính) Trong những điều bài học này khuyên làm, có lời khuyên nào anh chị khó thực hiện ? Theo anh chị thì khi không thực hiện được lời khuyên ấy, thì phải làm cách nào ?
5.  Làm PTHL, anh chị phải thường xuyên đọc các sách báo, tài liệu, Anh chị đã đọc những gì? Hàng tháng có theo dõi các bài vở trong HDPS không?
 


Bài 3:TƯƠNG QUAN GIỮA HUẤN LUYỆN VÀ CÁC CHỨC VỤ TRONG HUYNH ĐỆ ĐOÀN
Bài chia sẻ của Giacôbê Vĩnh Mân

      Huân luyện trong Phan Sinh là giúp các Ứng Sinh đạt đến Đức Ái Đức Kitô giáo trọn hảo, trở nên đồng hình , đông dạng với ĐKT, một ĐKT thứ 2, theo vết chân Cha Thánh Phan xi cô.
Việc huấn luyện không phải là việc của riêng ai, mọi ACE/PS phải đồng trách nhiệm, mọi phan Sinh phải luôn huấn luyện mình, huấn luyện lẫn nhau. Ngưòi PTHL là người được gọi được chọn qua Tu Nghị nên có trách nhiệm nhiều hơn, nên hiểu rõ các mối tương quan, phải tự hiểu rõ con người của mình và phấn đấu trở thành một PTHL tốt, mang lại nhiều hiệu quả cho HĐĐ.
1.CHÚA THÁNH LINH: Là nguồn ơn gọi của PSTT, là tác nhân chính của việc huấn luyện, và là linh hồn của đời sống Huynh Đệ, đối với Cha Thánh Phanxicô Chúa Thánh Linh được xem là Tổng Phục Vụ của Dòng, Luật Dòng mô tả tác động tác động của Chúa Thánh Linh nơi một Ứng Sinh như là:
-Tác động báo trước: Ngài chuẩn bị một “gia đình đón tiếp” gia đình PS được Thánh Linh khơi dậy trong Hội Thánh ( Luật 1)
-Tác động khuyến khích: Ngài thúc đẩy Ứng Sinh vào trong gia đình PS để sống Phúc Âm theo gương Thánh Phanxicô (Luật 2)
-Tác động  làm sang tỏ và ban sức mạnh: Ngài hướng dẫn Ứng Sinh đến sự thật là mầu nhiệm ĐKT.
-Giúp khám phá ra ĐKT trong Hội Thánh, trong sinh hoạt phụng vụ và nhất là trong bí tích Thánh Thể ( Luật 4.5)
2.ĐỨC KITÔ: Ngài đã phán: “Ở đâu có 2.3 người tụ họp vì Danh Thầy thì Thầy ở giữa họ” vì thế trong buổi họp Phan Sinh luôn có Ngài hiện diện.
- Simon con có yêu mến Thầy không? - Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. – Con hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy. Chúa hỏi Simon đến 3 lần như vậy để nhấn mạnh đến long mến là quan trọng nhất
- Sau công đồng Vaticănnô 2 chính Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã cho ban hành Luật Dòng PSTT sữa đổi vào năm 1978 và THC vào năm 1990.
3.VỊ TRỢ UÝ TINH THẦN: Là dấu chỉ cụ thể của sự hiệp thong và đồng trách nhiệm cảu Dòng 1 và Dòng 3 Tại viện đối với Dòng PSTT (Luật 26) “Bổn phận chính yếu của vị Trợ Uý là truyền đạt Linh Đạo Phan Sinh và trợ giúp vào việc Huấn Luyện khởi đầu và thường xuyên cho ACE. Vị Trợ Uý chia sẻ cùng một lý tưởng, tham dự vào một đoàn sủng và trong cùng một sứ mạng của Thánh Phanxicô, sống và tạo điều kiện dẻ dàng cho sự hiệp thong hổ tương cốt thiết (Luật 26. THC 89,3) và bảo đảm sự toàn vẹn của Đức tin và kỷ luật của Hội Thánh ( THC 85,2)
- Miền Huế không có vị Trợ Uý Dòng 1, chỉ có các Cha Trợ Uý Triều và Dòng Thánh Tam và DCCT, các Ngài chỉ giúp huấn luyện về nhân bản và Kitô học còn về PS học người huấn luyện phải đảm trách phải nghiên cứu Luật, THC, sách Nghi thức, Bút tích Cha Thánh……..
4.HUYNH ĐỆ ĐOÀN: Nơi mà đời sống Huynh Đệ được biểu lộ và phát triển, được kêu gọi giúp đở ACE trong tiến trình Huấn luyện bằng sự đón tiếp, cầu nguyện và làm gương sang (THC 37,3) để giúp họ trở thành người PSTT đích thực.
5. HỘI ĐỒNG VA AC/PV: Hội Đồng là linh hồn và là người hướng dẫn mà AC/PV là người chịu trách nhiệm đầu tiên (Luật 21) Bổn phân HĐ/ HĐĐ là giúp người PTHL và theo dõi công tác này để đánh giá kết quả và cũng có thể tiếp nhận hoặc từ chối ứng sinh xin gia nhập hoặc xin tuyên khấn (THC.50,1)
6.THƯ KÝ: Ghi biên bản buổi họp, và sẽ đọc lại nội dung bài Huấn Luyện vào buổi học kế tiếp.
7.NGƯỜI ĐƯỢC HUẤN LUYỆN: Là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc Huấn Luyện đang diễn biến trong tương quan của mình với Chúa và với các thành viên của HĐĐ và trong sứ mạng xã hội và Hội Thánh.
8. NGƯỜI PTHL: (THC 52,3)
- Được chuẩn bị sẵn sang, có khả năng truyền đạt các khái niệm văn hoá, thần học và tu đức
- Nắm vững đoàn sủng của vị sang lập để làm cho đoàn sủng hiện diện trong các dấu chỉ ngày nay và trong các nhu cầu mới của Hội Thánh và xã hội
- Ý thức mình được HĐĐ uỷ thác một trách nhiệm
- Ân cần đưa ứng sinh hoà nhập vào trong HĐĐ.
- Đủ khả năng để có những quan hệ cá nhân vói mỗi người, vị Trợ Uý và những người PTHL khác, với PTHL cấp cao hơn…
- Khi được bầu chọn làm PTHL nhiều A/C lo ngại vì những lý do:
- Tôi ít học hơn cac A/C khác; gương Cha Thánh Gioan Maria Vianey.
- Tôi hèn kém xấu xa hơn các bạn : Thầy Maxêô hỏi Cha Thánh Phanxicô: - Sau nhiều người tìm đến với Cha để nghe Cha giảng dạy? - Tại vì Chúa thấy không ai tội lỗi hơn Cha.
- Tôi không có tài ăn nói:  “Ta sẽ ở với ngưoi”
-Tôi bận quá không có thời gian soạn bài HL: “ Bà goá này đã bỏ vào hòm cúng nhiều nhất, người ta chỉ bỏ vào đó những cái dư thừa, còn bà đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sinh sống”
    Chân phước Mệ Têrêsa nói: “ Ta hãy tập cho đi, đến khi cái cho đó đụng chạm đến mình, làm cho mình trăn trở, ray rức…..”
  Người PTHL hãy cố gắng hết sức mình vì long mến Chúa “Tình yêu ĐKT thúc bách chúng tôi….”
“Ai nhận được một nén, phải sinh lợi một nén khác”
   Cầu cho các anh chị sẽ là các PTHL nhiệt thành, luôn biết soạn bài và huấn luyện với Chúa, về Chúa.








Bài 4: PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ LỜI CHÚA THEO PHƯƠNG PHÁP 7 BƯỚC
    Dòng PSTT luôn đề cao việc huấn luỵên. Đây là một công việc khó khăn, nhưng rất quan trọng; vì vậy cần đầu tư nhiều về lĩnh vực này. Việc huấn luyện người PSTT cần phải tập trung vào cuộc đời Chúa Ki-tô và Phúc Âm nhiều hơn nữa, mỗi anh chị em phải đạt đến mức độ “Say mê một con người : Chúa Ki-tô. Say mê một quyển sách : Phúc Âm”.  Vì tất cả các nội dung huấn luyện về Nhân Bản, Phan Sinh, Ki-tô Giáo, từ lý thuyết tới đời sống, không chỗ nào lại không thể đem đối chiếu “từ Phúc Âm đến đời sống và từ đời sống tới Phúc Âm”. Mỗi người phải tự mình đọc, tìm hiểu, suy gẫm để hiểu cho thấu đáo; sau đó đem ra thực hành. Không có kinh nghiệm cá nhân về Lời Chúa thì khó lòng chia sẻ. Bởi thế, có người Phan Sinh ngại chia sẻ Phúc Âm, nhưng may thay, phần lớn các anh chị em đều rất say mê, thích thú.
-  Người PSTT là người khấn tuân giữ Phúc Âm Đức Giê-su Ki-tô theo gương thánh Phan-xi-cô trong hoàn cảnh tại thế của mình (LD 4,1 ; THC 8,1).
- ‘Phải đích thân và chuyên cần học tập Phúc Âm’ (THC 9,2), nghĩa là siêng năng nghe, đọc, suy gẫm Phúc Âm, và đem ra thực hành.
Chưa đủ, sự thấm nhuần Phúc Âm còn thôi thúc chúng ta tìm kiếm Chúa Ki-tô ở những nơi mang dấu vết Người, như trong các sách báo Ki-tô Giáo, trong đời sống Hội Thánh và cả trong đời sống xã hội. Là người Phan Sinh, chúng ta phải không ngừng tự học hỏi các sách báo, tài liệu Ki-tô Giáo, Phan Sinh ; dự các khoá học hỏi, huấn luyện khi có thể được.
Chúc anh chị em thực hiện lời dạy của Đức Gioan Phalô II “Study, love and live the rule”. Hãy học tập, yêu mến và sống luật Dòng; không chỉ luật Dòng mà thôi, mà còn nhiều thứ khác cũng cần thiết nữa.
I. GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP CHIA SẼ LỜI CHÚA.
  Có nhiều phương pháp chía sẽ lời Chúa ( p2 xem xét làm , P2 Giáo Xứ học hỏi,.hoặc P2 hỏi đáp chia sẽ cởi mở . Chương trình  muối đất. v.v… .) Nhưng chúng ta dùng Phương pháp 7 bước hầu đáp ứng được yêu cầu của “ Cách thức sống” PSTT và đã được hướng dẫn trong tài liệu của Dòng
Để huấn luyện chu đáo một linh hoạt viên (LHV) Chia sẽ lời Chúa. Tôi xin giới thiệu phương pháp hướng dẫn CSLC theo lối 7 bước. Vậy tôi xin quý anh chị tập trung và tin tưởng tối đa vào tài liệu, chịu khó học hỏi và thực hành nghiêm túc, đừng thực hiện việc chia sẽ lời Chúa như là một chuyện đọc sách hay biểu diễn một vấn đề mà là việc giúp anh chị em nói chuyện với Chúa và tâm sự với anh em mình. Có như thế mới trơ thành người LHV đích thực.
II. THẾ NÀO LÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA THEO PHƯƠNG PHÁP 7 BƯỚC ?
Một cách đơn giản, chúng ta hiểu phương pháp 7 bước trong Chia sẻ Lời Chúa là một tiến trình gồm 7 giai đoạn hay bẩy bước:
Bước 1 : Mời Chúa đến với HĐĐ/ Cộng đoàn,
Bước 2 : Đọc Lời Chúa,
Bước 3 : Rút ra một số câu ngắn và suy niệm,
Bước 4 : Thinh lặng nghe Chúa nói,
Bước 5 : Chia sẻ với nhau điều mỗi người nghe được trong tâm hồn,
Bước 6 : Cùng nhau thảo luận về một công việc mà HĐĐ/ Cộng đoàn được mời thực hiện,
Bước 7 : Cầu nguyện tự phát kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa.
III. TÍNH CHẤT VÀ MỤC ĐÍCH CỦA PHƯƠNG PHÁP 7 BƯỚC
– Phương pháp 7 bước là phương pháp lấy khởi điểm là Lời Chúa và lấy Lời Chúa làm ánh sáng để soi giọi vào các lãnh vực đời sống. Một cách đơn giản, người ta nói Phương Pháp 7 bước đi “Từ Phúc Âm đến Cuộc Sống”.
– Phương pháp Chia sẻ Lời Chúa 7 bước có 6 mục đích sau đây :
1. Cảm nghiệm sự diện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh,
2. Giúp mỗi thành viên trong HĐĐ/Cộng đoàn được Lời Chúa đánh động,
3. Cổ võ việc cùng nhau đào sâu Niềm Tin qua việc chia sẻ cá nhân,
4. Đào sâu mối tương quan cá nhân giữa các thành viên trong HĐĐ/Cộng đoàn,
5.Tạo sự tin tưởng trong HĐĐ/Cộng đoàn,
6. Tạo một bầu khí thiêng liêng cần thiết cho việc lên kế hoạch hành động của HĐĐ/Cộng đoàn.
IV. CÁCH THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP 7 BƯỚC
Bước 1 : Mời Chúa đến với HĐĐ/Cộng đoàn
1. Ý nghĩa và nội dung :
Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh thực sự đã hiện diện trong HĐĐ/ Cộng đoàn. Nhưng thường chúng ta không ý thức về sự hiện diện của Người. Một thành viên trong HĐĐ/ Cộng đoàn thay mặt anh chị em mình mời Chúa đến với HĐĐ/ Cộng đoàn là giúp cho mọi người ý thức về sự hiện diện đích thực của Người. Chúng ta có thể liên tưởng đến những lần Đức Giê-su được mời đến Ca-na, đến nhà Gia-kêu, đến gia đình Bê-ta-ni-a… để nhận thức mạnh mẽ rằng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10, 38). Vậy chúng ta mời Chúa đến với chúng ta thì chúng ta tin tưởng rằng sự hiện diện của Người chắc chắn cũng đem lại phúc lành cho chúng ta như vậy.
2. Thực hành :
a. Người hướng dẫn : “Xin Anh/Chị... (nói tên người được giao phận vụ này) thay mặt anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn có lời mời Chúa Giê-su đến với chúng ta”.
b. Người được đề nghị nói lời mời Chúa: (Sau đây là một vài lời mời làm ví dụ):
(1) “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xưa Chúa đã được mời đến dự tiệc cưới ở Ca-na cùng với Mẹ Ma-ri-a và các môn đệ (Ga, 2,1-12). Chúa đã làm cho nước lã thành rượu ngon để cho niềm vui của cô dâu chú rể và thực khách được trọn vẹn. Giờ đây chúng con kính mời Chúa đến với chúng con. Chúng con tin rằng sự hiện diện yêu thương và quyền năng của Chúa sẽ làm cho chúng con nên tốt hơn. Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến với chúng con!”
(2) “Lạy Chúa Giê-su, trên đường rao giảng Tin Mừng, nhiều lần Chúa đã dừng chân tại gia đình Bê-ta-ni-a (Lc 10, 38-42). Ở đó Chúa gặp những người bạn thân thiết, chân tình là Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Ba người bạn thân ấy mời Chúa đến nhà không chỉ để Chúa nghỉ ngơi, nhưng cũng để được nghe Chúa nói. Chúng con đây cũng là những người bạn thân tình của Chúa. Chúng con xin Chúa đến với chúng con và nói Lời Hằng Sống với chúng con”.
Ghi chú : Trong hai lời mời mẫu ở trên, chúng ta nên để ý đến hai chi tiết :
1. Hai lời mời Chúa ở trên đều nhắc đến những lần gặp gỡ của Đức Giê-su được tường thuật lại trong các Sách Tin Mừng,
2. Trong hai lời mời Chúa ở trên, người đại diện HĐĐ/ Cộng đoàn không xin ơn này ơn nọ, cũng không xin Thánh Thần ban ơn soi sáng, vì tin rằng hễ Đức Giê-su ở đâu thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ở đó, rằng Chúa Giê-su đến đâu thì Người thi ân giáng phúc đến đó và Người dư biết công việc của Người. Vì thế chúng ta khỏi cần xin Chúa ơn này ơn nọ, mà tập trung vào việc đón Chúa đến với HĐĐ/ Cộng đoàn và với từng người một.
Bước 2 : Đọc lời Chúa
1. Ý nghĩa và nội dung :
Đọc Lời Chúa là chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta. Đó là điều hết sức quan trọng trong Chia Sẻ Lời Chúa cũng như trong đời sống Ki-tô hữu. Muốn nghe được tiếng Chúa nói, chúng ta phải biết lắng nghe trong thinh lặng, chăm chú, ước mong và đón nhận. Và phải đọc đi đọc lại nhiều lần.
2. Thực hành :
a. Người hướng dẫn: “Xin mọi người mở sách...... (nói tên sách rồi chờ một lát cho mọi người mở sách, rồi nói tiếp), chương...... (nói tên chương rồi chờ một lát cho mọi người tìm ra chương vừa nói, rồi nói tiếp), từ câu...... đến hết câu......”
“Xin anh/chị...... (nói tên người được giao phận vụ này) vui lòng đọc đoạn văn trên”
b. Người được yêu cầu (đọc đoạn văn cho mọi người nghe).
c. Người hướng dẫn: “Xin anh/chị...... (nói tên người được giao phận vụ này) vui lòng đọc lại đoạn văn trên một lần nữa”.
d. Người được yêu cầu đọc lại đoạn văn lần thứ hai.
Ghi chú : Nếu nhóm Chia sẻ Lời Chúa có nam có nữ thì mời một nữ và một nam đọc Lời Chúa, để anh chị em nghe được cả giọng nữ và giọng nam.
Bước 3 : Rút ra mấy lời ngắn và suy niệm những lời ấy
1. Ý nghĩa và nội dung :
Để Lời Chúa dễ in sâu vào trí vào tâm của chúng ta và tác động trong tâm hồn chúng ta, chúng ta cần đọc đi đọc lại Lời Chúa nhiều lần trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện, đón nghe. Chúng ta chỉ lặp lại những câu ngắn, nhất là những Lời của chính Đức Giê-su đã nói với các môn đệ hay với người này người nọ hay với đám đông. 
2. Thực hành :
a. Người hướng dẫn : “Chúng ta rút ra mấy lời ngắn (hoặc mấy câu ngắn), đọc lớn tiếng những lời ấy (hoặc những câu ấy) trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện”.
b. Anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn: Mỗi anh chị em chọn một lời ngắn nào mà mình thích nhất (tức thấy hay nhất, đánh động mình nhất) đọc lên một cách rõ ràng, chậm rãi cho mọi người cùng nghe, đọc đi đọc lại ba lần.
c. Người hướng dẫn: Khi không còn ai đọc lại một lời ngắn của đoạn Kinh Thánh nữa thì nói: “Chúng ta cùng đọc lại đoạn Kinh Thánh một lần nữa để chuyển sang bước 4”.
d. Cả nhóm: Cùng đọc lại đoạn Kinh Thánh.
Ghi chú : Nên lưu ý để những lời ngắn được rút ra và lập lại một cách tuần tự từ đầu đến cuối đoạn Kinh Thánh. Cũng có thể hai người cùng lập đi lập lại một lời ngắn. Nếu anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn Chia sẻ Lời Chúa chưa quen với việc tự rút ra một lời, một câu ngắn mình thích mà đọc lên cho cả HĐĐ/ Cộng đoàn cùng nghe, thì người hướng dẫn có thể xướng lên từng câu ngắn một và xin từng anh chị em lặp lại câu ngắn ấy 2 lần. Dần dần anh chị em sẽ quen với phương pháp này và biết tự rút ra những câu ngắn mình thích mà đọc lên cho cả HĐĐ/ Cộng đoàn cùng nghe.
Bước 4 : Thinh lặng nghe tiếng Chúa
1. Ý nghĩa và nội dung :
Như trên đã nói, điều quan trọng nhất trong cuộc sống Ki-tô hữu và trong sinh hoạt Chia sẻ Lời Chúa 7 bước là chúng ta biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa để sống theo Lời ấy (đọc Mt 7,21-27). Để nghe được tiếng Chúa chúng ta phải biết tạo một khoảng thinh lặng nội tâm sâu lắng và tập trung vào việc đón nhận Lời Chúa.
2. Thực hành :
Người hướng dẫn : “Chúng ta giữ thinh lặng trong...... phút (nói số phút và căn đồng hồ), để nghe Chúa nói với chúng ta”.
(Khi hết thời gian đã loan báo, người hướng dẫn chuyển sang bước 5).
Bước 5 : Chia sẻ với nhau
điều mỗi người nghe được trong tâm hồn
1. Ý nghĩa và nội dung :
Chia sẻ Lời Chúa là chia sẻ điều chúng ta nghe được trong tâm hồn mình, tức chia sẻ tác động của Lời Chúa mà chúng ta đón nhận được khi chúng ta đọc và lắng nghe Lời Chúa trong buổi sinh hoạt này. Chia sẻ Lời Chúa cũng có nghĩa là chia sẻ những nỗ lực và những thiếu sót của bản thân mỗi người chúng ta trong việc thực thi Lời Chúa. Tuyệt nhiên không phải là chia sẻ những kiến thức, những hiểu biết (lý thuyết, nguyên tắc) mà chúng ta có được trong đầu về Lời Chúa. Nói cách khác là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc đón nhận và sống Lời Chúa của mình.
2. Thực hành:
a. Người hướng dẫn : Chúng ta chia sẻ điều mà chúng ta nghe được trong tâm hồn mình, có nghĩa là chúng ta chia sẻ :
– Lời nào đã đánh động tâm hồn mình ?
– Tại sao Lời ấy đánh động mình hay mình đã sống “Lời Sự Sống” ấy như thế nào ?”
b. Anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn: Lần lượt anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn chia sẻ điều mà mỗi người đón nhận được, khi nghe Lời Chúa tại đây và trong lúc này. Nói vắn gọn, rõ ràng. Chăm chú lắng nghe người khác chia sẻ. Người hướng dẫn nên lưu tâm đến việc khuyến khích, động viên người khác, nhất là những người nhút nhát và chưa quen, để họ mạnh dạn chia sẻ.
Ghi chú :
1. Chia sẻ là một hành động tự nguyện nên không ai có quyền ép người khác phải chia sẻ. Nhưng mỗi người trong nhóm đều có quyền và có bổn phận cho và nhận, vì đời sống cộng đoàn là thế !
2. Trong chia sẻ có nhiều cách và nhiều mức độ khác nhau : nói lên điều mình nghe được trong lòng là chia sẻ ; đảm nhận một công việc nào đó trong quá trình Chia sẻ Lời Chúa 7 bước (đọc Lời Chúa, cầu nguyện tự phát ở bước 7) cũng là chia sẻ; thậm chí ngồi chăm chú lắng nghe đón nhận những gì anh chị em mình chia sẻ cũng đã là chia sẻ.
Bước 6 : Cùng nhau thảo luận về một công việc mà nhóm được mời thực hiện
1. Ý nghĩa và nội dung :
Bước 6 này có một tầm quan trọng rất đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa :
a. Hiểu sứ điệp Lời Chúa,
b. Đem sứ điệp ấy vào trong thực hành,
c. Nhóm biết cách bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ và đi đến một quyết định chung.
2. Thực hành :
a. Người hướng dẫn : “Nội dung của bước 6 là chúng ta thảo luận về trách nhiệm mà nhóm được mời thực hiện. Nhưng trước khi thảo luận về điều ấy, xin mỗi anh chị em cho biết đã thực hiện điều quyết tâm của tuần/tháng trước như thế nào ?”
b. Anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn: Lần lượt mỗi người báo cáo vắn gọn về việc mình thực hiện quyết tâm lần trước như thế nào: đã làm được gì? chưa làm được gì? tại sao chưa làm được? gặp thuận lợi khó khăn gì? khám phá ra thêm điều gì?
c. Người hướng dẫn: Sau khi mọi người đã báo cáo xong việc thực hiện quyết tâm lần trước, người hướng dẫn nói: “Bây giờ chúng ta thảo luận với nhau về việc mà mỗi người chúng ta cho rằng HĐĐ/ Cộng đoàn phải làm trong tuần/tháng tới, để thực hiện Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay”.
d. Anh chị em trong nhóm : Ở đây chúng ta nên áp dụng “phương pháp đi đến quyết định chung” qua quá trình 5 bước sau đây:
1. Xác định mục tiêu cụ thể : xác định sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.
2. Đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện sứ điệp ấy.
3. Thảo luận về một vài giải pháp: bàn thảo về một hai biện pháp được nhiều người nêu ra nhất.
4. Quyết định chọn một giải pháp, một công việc mà nhóm nhất trí với nhau.
5. Phân công công việc: một các rành mạch, cụ thể và chi tiết : ai làm ? làm khi nào ? làm thế nào ?
Bước 7 : Cầu nguyện tự phát kết thúc buổi chia sẻ Lời Chúa
1. Ý nghĩa và nội dung :
Đây là bước cuối cùng, bước kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa. Bao nhiêu tâm tình, nguyện ước, khám khá… đều có thể được bộc lộ ở đây, thông qua các lời nguyện tự đáy lòng phát ra để dâng lên Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn.
2. Thực hành :
a. Người hướng dẫn : “Để kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa hôm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa và Chúa Kitô những lời nguyện chân thành và tự phát của chúng ta”
b. Anh chị em trong HĐĐ/ Cộng đoàn: Một số anh chị em dâng lên Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô lời cầu nguyện tự phát của mình: Có thể là lời tạ ơn, ngợi khen, chú tụng Thiên Chúa; có thể là lời cầu xin ơn (cho mình, cho người khác); cũng có thể là lời xin lỗi Chúa và lời quyết tâm…
c. Người hướng dẫn: Khi thấy không còn ai cầu nguyện nữa, người hướng dẫn nói : “Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa mọi lời nguyện vừa được nói ra và mọi ước vọng và tâm tình chưa được nói ra của tất cả chúng ta bằng bài hát......... (nói tên bài hát, sau đó cất tiếng hát để mọi người hát theo)”.
Cũng có thể đọc Kinh Lạy Cha với tư thế và cử điệu thích hợp và gợi cảm : như giang tay lên trời, nắm tay nhau, hai tay úp chồng nhau trên ngực.
Ghi chú: 1. Để thực hành việc Chia Sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước, Cộng đoàn hay Nhóm có thể chọn một trong các bài Kinh Thánh (bài Cựu Ước, Thánh Thư và nhất là Phúc Âm) của ngày chúa nhật để làm chủ đề chia sẻ. Nhưng cũng có thể chọn một bản văn Kinh Thánh khác, tùy theo hoàn cảnh hoặc nhu cầu đặc biệt của Cộng đoàn hay Nhóm.
2. Có nhiều người thắc mắc là không biết có cần phải thông báo cho mọi người biết trước đoạn văn Thánh Kinh mà HĐĐ/ Cộng đoàn sẽ chia sẻ không? Thật ra thì việc đọc hay không đọc trước đoạn văn Thánh Kinh không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là trong giờ sinh hoạt, ai nấy đều tập trung chú ý để lắng nghe Lời Chúa và đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần.
Nếu các thành viên trong HĐĐ/ Cộng đoàn đọc trước đoạn Thánh Kinh thì cái lợi là anh chị em đã được làm quen với đoạn Lời Chúa đó rồi, thì có thể sẽ dễ dàng chia sẻ hơn. Nhưng đọc trước cũng có cái hại là chúng ta sẽ ít chú tâm vào việc lắng nghe Lời Chúa khi Lời Chúa được đọc trong buổi sinh hoạt, và chúng ta dễ bị cám dỗ chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình về đoạn văn Lời Chúa, chứ không phải chia sẻ cảm nghiệm về Lời Chúa. Còn nếu anh chị em chúng ta không đọc trước bản văn thì có thể có cái lợi là ai nấy đều tập trung chú ý lắng nghe khi Lời Chúa được đọc lên khi sinh hoạt, và tập trung tâm hồn đề đón nhận sự đánh động của Thánh Thần Chúa.
IV. LỢI ÍCH CỦA PHƯƠNG PHÁP 7 BƯỚC TRONG CHIA SẺ LỜI CHÚA
1. Phương pháp 7 bước hay bất kỳ phương pháp nào khác trong Chia sẻ Lời Chúa cũng chỉ có giá trị nhất định vì điều quan trọng nhất trong Chia sẻ Lời Chúa vẫn là việc chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa và Chúa Kitô, đồng thời đón nhận ánh sáng, giáo huấn, ân sủng của Ngài.
2. Nhưng phương pháp 7 bước rất hữu ích và cần thiết cho những người mới bắt đầu sinh hoạt Chia sẻ Lời Chúa, để dễ dàng nhận thức, đón nhận và thực thi Lời Hằng Sống.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ LỜI CHÚA 7 BƯỚC
Suy niệm mà không chia sẻ, mà không “thể hiện tâm tình lòng mình với Chúa” thì tâm trí vốn đầy ứ, ngồi thụ động nên càng mệt mõi, có khi lại càng căng thẳng, rồi kết luận “suy niệm vô ích”. Lời Chúa quá khô khan, mất thời gian.
Mỗi người cần chia sẻ điều gì?
- Chia sẻ một trong các việc dưới đây, tuỳ theo Lời Chúa, hợp với nhu cầu của mình.
- Việc của bản thân mình đối với Chúa,
- Việc của bản thân mình với tha nhân.
- Việc của đời sống tông đồ, trong cuộc sống gia đình, xã hội. Hoặc bất cứ việc gì cảm thấy có ích lợi.
Như vậy, phạm vi chia sẻ thật mênh mông
WNhớ rằng mục đích chia sẻ lời Chúa nhằm giúp cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phuc sinh. Nghĩa là Chúa đang sống, đang hiện diện giữa nhóm.
WTrong lúc chia sẻ, chúng ta xưng tôi chứ không dùng chúng ta, lý do mỗi người tiếp cận với Lời Chúa và khám phá ra thông điệp Chúa gởi cho riêng mình và chia sẻ những gì mình được đánh động. Chứ không phải người khác bị đánh động. Vì thể không dùng chúng ta.
WKhi một người chia sẻ, các người khác lắng nghe, cố gắng liên kết và hiệp nhất với người chia sẻ. Chúng ta chấp nhận, chứ không bình luận, không tranh cải, tuyệt đối không biến chia sẻ lời Chúa thành một buổi tranh luận.
WNgười chia sẻ cũng không giảng giải Thánh kinh, mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, những vấn đề riêng tư.
Mỗi thành viên có thể chia sẻ bằng nhiều cách khác nhau, việc chia sẻ có ý nghĩa là một việc tự nguyện, vì thế:
- Không ai ép buộc phải chia sẻ, nếu cảm thấy khó khăn khi chia sẻ.
- Cũng không ai được ép người khác chia sẻ, phải tôn trọng tự do một cách triệt để
* Nhưng có những điều không nên chia sẻ
* Đừng chia sẻ những điều mà nói ra chúng ta không cảm thấy thoải mái.
*Cũng đừng mang tội trọng của mình ra mà chia sẻ. Tội trọng chỉ xưng ra trong toà hoà giải mà thôi.
NHỮNG BÀI HÁT SINH HOẠT

MAU ĐẾN HỌC TẬP
Nào bạn ơi mau đến học tập.
học  tập theo gương Chúa Kitô.
Học mến Chúa yêu thưong mọi người.
Cho cuộc đời luôn mãi đẹp tươi
TÔI CHƯA LÀ PHAN SINH
Tôi chưa là phan sinh vì tôi chưa mến yêu Ngài.
Tôi chưa là phan sinh  vì tôi chưa sống khó nghèo
Tôi chưa là Phan Sinh vì tôi chưa thi hành đức ái
Tôi chưa tha thứ cho người thì tôi chưa là Phan Sinh

MÌNH GẶP MÌNH

Mình gặp mình, tay cầm tay ta anh em một nhà.
Mình gặp mình, tay cầm tay ta là con một Cha.
Xưa Cha thánh nghèo dạy ta nghèo khó để ngày nay ta vui sống nghèo.
Xưa Cha thánh nghèo dạy ta khiêm nhường, để ngày nay ta sống trọn tình thương.

Nhìn vào mặt mhau đi

Nhìn vào mặt nhau đi mà hãy nói với nhau thật lòng như chưa bao giờ. Còn ngần ngại nhau chi mà không nói với nhau lời tha thiết trong tâm hồn.
1/ Hôm nay ta ngồi gần, ngồi gần để càng thêm thân. nắm lấy tay ân cần, tình này tình trao dâng.
2/ Hôm nay ta ngỏ lời, ngỏ lời để đời thêm vui, hát với nhau giữa trời, tình này tình không vơi.

HÃY ĐÓN TIẾP NHAU

ĐK :  Hãy đón tiếp nhau mọi người hãy đón tiếp nhau. Với tinh thần khiêm hạ và nhân ái. Hãy đón tiếp nhau mọi người hãy đón tiếp nhau.
1. Dù họ là bạn hay là thù. Dù là người lành hay kẻ dữ. Vì tất cả là con một Cha là anh em cùng chung một nhà.

HIỆP THÔNG  TRONG YÊU THƯƠNG

VÀ ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

Hiệp thông trong yêu thương và đầy trách nhiệm. đoàn con luôn chung vai trên đường thăng tiến. Trong yêu thương đi gieo tình người đồng trách nhiệm xây dựng thế giới. Mang trong tim niềm yêu đời cùng hướmg tới nước trời đẹp tươi.
Phan Sinh Phan Sinh sống tình đệ huynh Phan Sinh Phan Sinh vui đời hoà bình Phan Sinh Phan Sinh chung một mơ ước toàn thế giới chung một niềm tin.

Gặp gỡ Đức Kitô
1.      Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh.
    Dòng suối nếu bế tắt thì dòng sông mau cạn khô.Tình yêu không Kitô ôi tình yêu sao cằn cỗi. Vì chính Chúa là nguồn suối nguồn yêu thương vô biên. Biển yêu thương nối liền hoang đảo giữa đại dương.
2.      Mặc lấy Đức kitô, khuôn mặt đầy hiền hòa. Mặc lấy Đức Kitô, tấm lòng luôn thứ tha. Mặc lấy Đức Kitô, môi miệng lời thật thà. Mặc lấy Đức Kitô, niềm vâng phục theo Cha.
cuộc sống kiếp lữ khách, lộ trình xa ôi thật xa. đường nguy nan phong ba, đơn độc đấu tranh nghiệt ngã. kìa bổng Ngài tiến đến, nhẹ cầm tay nâng mình lên, ủi an như mẹ hiền, chính Ngài Chúa bình yên.

Tuổi trẻ hành khúc
 Các con là muối đất các con là ánh sáng, muối đất ướp cho mặn đời, ánh sáng chiếu soi tình người vào nơi tăm tối.
Các con là muối đất các con là ánh sáng, muối đất ướp cho tình nồng, ánh sáng thắp lên lửa hồng Tình yêu Thiên Chúa.
1/Tìm về đây ta xây mộng đời, cùng dệt lên câu ca tuyệt vời, cùng dìu nhau đi tìm ánh sáng. Nào cùng nhau ta đi vào đời cùng dựng xây yêu thương rạng ngời, một lòng ta tô đẹp trần ai