Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

ĐGH Phan-xi-cô: Đừng giết chết Lời Thiên Chúa

(2014-03-2, Vatican Radio) Để không “giết chết” Lời Chúa trong tâm hồn, chúng ta cần khiêm tốn và biết cầu nguyện. ĐGH Phan-xi-cô đề cập đến hai thái độ này trong bài giảng Thánh lễ sáng ngày 21/03/2014 tại nhà thờ thánh Marta.
Nếu một Ki-tô hữu không khiêm nhường, không chịu cầu nguyện, người ấy liều lĩnh nhận lấy Lời Chúa và biến chế Lời ấy theo cách riêng anh ta thích. Để nhận ra làm thế nào chống lại chước cám dỗ này, ĐGH Phan-xi-cô tập chú vào bài Phúc Âm của ngày hôm ấy (Mt 21:33-43,45-46). (Trong bài Phúc Âm,) Đức Giê-su kể một câu chuyện về những người thợ làm vườn nho: họ giết các đầy tớ của chủ; sau cùng, họ giết luôn cả người con của ông chủ vườn nho. Họ muốn đặt mình trở thành những ông chủ kế thừa di sản của ông chủ đích thực. ĐGH nói dụ ngôn này nhắm trực tiếp đến những người Biệt phái, các kỳ lão và các tư tế. Đức Giê-su cố gắng chỉ cho họ thấy “đâu là chỗ họ vấp phạm” bởi vì “lòng họ không mở ra cho Lời Thiên Chúa”: “Đây là tấn bi kịch của những con người này, và cũng là bi kịch của chính chúng ta! Các thượng tế, kỳ mục, và Biệt phái chuyển tải Lời Chúa. Lời của Chúa trở thành lời của họ, lời dựa theo sở thích, ý thức hệ, thần học của họ. Đây là thảm kịch cho dân này. Họ giữ Lời bằng cách bóp nghẹt Lời. Điều đó xảy đến cho Đức Giê-su.”
Khi họ nghe dụ ngôn này, các thượng tế và Biệt phái biết rằng Đức Giê-su đang nói về họ. “Họ tìm cách bắt và giết chết Người.” Bằng cách này, ĐGH nói: “Lời Thiên Chúa bị cầm tù, bị giết chết, Thánh Thần bị giam cầm trong những ước muốn của họ.” Đó cũng chính là điều đang xảy ra cho chúng ta “khi chúng ta mà không biết mở lòng ra cho sự mới mẻ của Lời Chúa, khi chúng ta không vâng phục Lời của Người”. “Tuy nhiên, hãy còn có một cụm từ mang lại niềm hi vọng cho chúng ta. Lời Thiên Chúa đã chết trong tim của những người này; và Lời Chúa cũng có thể chết trong tâm hồn chúng ta. Nhưng đó chưa phải là chung cuộc bởi vì Lời Chúa vẫn luôn sống động trong tim của những con người đơn sơ, khiêm hạ nơi Dân Chúa. Các thượng tế, kỳ mục tìm cách bắt giữ Lời nhưng họ e ngại đám đông là Dân Thiên Chúa. Đám đông đơn sơ này là những người đã đi theo Đức Giê-su bởi vì những lời Ngài nói làm cho tâm hồn họ được sưởi ấm, nên tốt lành. Họ đã không lầm. Họ không sử dụng Lời Chúa theo ý thích của mình, nhưng lắng nghe và cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày.
Trong phần kết luận, ĐGH mời gọi: “Chúng ta có thể làm gì để không giết chết Lời Chúa, “để trở nên ngoan ngoãn”, và để “không giam hãm Thánh Thần?” Hai điều đơn giản: “Đó là hai thái độ của những người lắng nghe Lời Chúa: trước là khiêm nhường, sau là cầu nguyện. Dân này không cầu nguyện. Họ thấy không cần phải cầu nguyện. Họ nghĩ mình được an toàn, họ nghĩ mình mạnh mẽ, họ nghĩ rằng họ là “những ông thần”. Khiêm nhường và cầu nguyện: với khiêm nhường và cầu nguyện chúng ta tiến về phía trước bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ Lời của Người. Trong Hội Thánh. Khiêm nhường và cầu nguyện trong Hội Thánh. Chính vì khiêm nhường và cầu nguyện nên điều đã xảy ra với các thượng tế và Biệt phái sẽ không xảy ra với chúng ta: chúng ta tránh được việc bóp nghẹt Lời đang khi bênh vực Lời của Chúa, Lời mà chúng ta tin là Lời của Thiên Chúa, nhưng đó cũng có thể là lời bị chúng ta biến đổi hoàn toàn.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét