Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

NỘI QUY HUYNH ĐỆ ĐOÀN QUỐC GIA DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ VIỆT NAM

NỘI QUY
HUYNH ĐỆ ĐOÀN QUỐC GIA
DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
VIỆT NAM


Dẫn nhập

Chúng tôi, những anh chị em Phan Sinh Tại Thế Việt Nam, được kêu gọi nối gót Đức Kitô theo chân Thánh Phanxicô Atxidi, chúng tôi muốn hiện tại hóa đặc sủng của người Cha chung chí ái trong đời sống và trong sứ mạng của Hội Thánh.

Vì vậy, chúng tôi thiết lập và thông qua Nội quy này, nhằm mục đích áp dụng Luật và Tổng Hiến Chương vào môi trường xã hội và đất nước chúng tôi, cùng ấn định những quy tắc cụ thể cho việc điều hành, tổ chức đời sống Huynh đệ đoàn chúng tôi ở Việt Nam. (THC, Điều 29.3)


CHƯƠNG I
HUYNH ĐỆ ĐOÀN QUỐC GIA

ĐIỀU 1: Định nghĩa và Tổ chức
Huynh đệ đoàn quốc gia của Dòng Phan Sinh Tại Thế (OFS) Việt Nam :
1. Là một tổ chức gồm các Huynh đệ đoàn địa phương hiện có trên đất nước Việt Nam (THC, Điều 1.5 ; 65.1);
2. Được tổ chức và hoạt động theo đúng Luật Dòng, Tổng Hiến Chương, sách Nghi thức và Nội quy hiện hành;
3. Được linh hoạt và điều hành với một Hội đồng và một Anh/Chị phục vụ, phối hợp với nhau chăm lo cho Luật, Tổng Hiến Chương và Nghi thức của Dòng PSTT được tuân giữ và thi hành (THC, Điều 65.3);
4. Có trụ sở tại số 3 Mai Thị Lựu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và có tên gọi chính thức là Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam;
5. Chọn huy hiệu là “hai cánh tay bắt chéo trên thánh giá”, diễn tả ước muốn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô (THC, Điều 43).

ĐIỀU 2: Cấp Điều Hành
Cấp điều hành của Huynh Đệ Đoàn Quốc Gia Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam là :
- Hội Đồng Quốc Gia
- Ban Thường Vụ Quốc Gia
- Anh /Chị Phục Vụ Quốc Gia

ĐIỀU 3: Thành Phần Hội Đồng Quốc Gia
Hội Đồng Quốc Gia gồm :
1. Những thành viên của Ban Thường Vụ QG được Tu Nghị QG bầu chọn như ở Điều 5
2. Anh/Chị phục vụ của các Huynh Đệ Đoàn Miền
3. Anh/Chị đại diện Huynh Đệ Đoàn Giới Trẻ Phan Sinh Quốc Gia (THC, Điều 97.4)
4. (Các) vị Trợ Úy Quốc Gia (THC, Điều 90.3b)

ĐIỀU 4: Ban Thường Vụ Quốc Gia – Định nghĩa
Ban Thường Vụ QG sẽ thay mặt Hội Đồng QG điều hành các sinh hoạt của Huynh Đệ Đoàn QG Dòng Phan Sinh Tại Thế (THC, Điều 66.1). Khi cần thiết có vấn đề quan trọng, Ban Thường Vụ QG sẽ triệu tập toàn thể thành viên của Hội Đồng QG để tham nghị.

ĐIỀU 5: Ban Thường Vụ Quốc Gia – Thành phần
Ban Thường Vụ QG gồm :
1. Những thành viên của Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam được Tu Nghị QG bầu chọn:
- Anh/Chị Phục Vụ
- Anh/Chị Phó Phục Vụ
- Anh/Chị Phụ Trách Huấn Luyện
- Anh/Chị Thư Ký
- Anh/Chị Thủ Quỹ
- Hai (2) Anh/Chị Ủy Viên
- Anh/Chị Cố Vấn Quốc Tế
- Anh/Chị Cố Vấn Quốc Tế Dự Khuyết
2. Anh/Chị đại diện Huynh Đệ Đoàn Giới Trẻ Phan Sinh QG (THC, Điều 97.4)
3. (Các) vị Trợ Úy QG.

TU NGHỊ QUỐC GIA

ĐIỀU 6: Triệu tập
1.      Tu Nghị Quốc Gia là tổ chức đại diện các Huynh Đệ Đoàn Dòng Phan Sinh Tại Thế tại Việt Nam, có quyền lập pháp, biểu quyết và bầu cử. (THC Điều 68.1)
2.      Tu nghị quốc gia có bầu cử được triệu tập ba năm một lần.
3.      Thư mời tham dự Tu nghị phải được gửi đến các thành viên, tối thiểu trước ba mươi (30) ngày.

ĐIỀU 7: Thành phần
Thành phần tham dự Tu nghị quốc gia gồm có :
1. Có quyền biểu quyết:
a. Các thành viên của Ban Thường Vụ Quốc Gia đương nhiệm.
b. Các Anh/Chị phó phục vụ nếu các Anh/Chị phục vụ không thể có mặt
c. Một (1) đại biểu cho mỗi Huynh Đệ Đoàn Miền do Hội Đồng Miền đề cử.
2. Có quyền phát biểu tư vấn:
Những người được Ban Thường Vụ QG mời tham dự.

ĐIỀU 8: Thẩm quyền
1. Tu nghị quốc gia xem xét các bản báo cáo và thảo luận cũng như cân nhắc bản đề nghị cho nhiệm kỳ kế tiếp do Ban Thường Vụ QG trình bày.
2. Tu nghị quốc gia có quyền cân nhắc, bổ sung, sửa chửa và biểu quyết chấp thuận Nội quy Quốc gia. Nội quy Quốc gia sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được Ban Chấp Hành HĐ QT Dòng PSTT phê duyệt.
3. Tu nghị quốc gia đề ra những đường hướng cho sự phát triển đời sống của Dòng PSTT tại Việt Nam .
4. Tu nghị quốc gia cân nhắc các vấn đề liên quan đến điều hành, nhân sự, huấn luyện, phúc âm hóa và tài chánh của Dòng PSTT tại Việt Nam.
5. Tu nghị quốc gia ấn định mức đóng góp hàng năm cho ngân sách Huynh Đệ Đoàn QG và HĐĐ QT.
6. Tu nghị quốc gia có bầu cử bầu chọn :
- Anh/Chị Phục Vụ
- Anh/Chị Phó Phục Vụ
- Anh/Chị Phụ Trách Huấn Luyện
- Anh/Chị Thư Ký
- Anh/Chị Ủy Viên Phúc Âm Hóa
- Anh/Chị Ủy Viên Giới Trẻ
- Anh/Chị Cố Vấn Quốc Tế
- Anh/Chị Cố Vấn Quốc Tế Dự Khuyết

ĐIỀU 9: Trách Vụ Của Hội Đồng Quốc Gia
Ngoài những trách vụ mà THC Điều 66.2 đề cập, Hội Đồng Quốc Gia còn có các trách vụ sau đây:
1. Trong nhiệm kỳ ba năm, Hội đồng quốc gia phải nhóm họp ít nhất hai lần. Lần thứ nhất sau Tu nghị bầu cử, càng sớm càng tốt. Lần thứ hai trước Tu nghị bầu cử kế tiếp (hai lần họp đó có thể thực hiện ngay trước và sau Tu nghị bầu cử). Ngoài ra Hội đồng quốc gia có thể nhóm họp một lần nữa giữa nhiệm kỳ, tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh do Ban thường vụ xem xét và thẩm định.
 2. Ủy quyền cho Ban Thường Vụ QG điều hành các sinh hoạt chung của Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam, giữa các buổi họp Hội đồng QG.

ĐIỀU 10: Trách Vụ Của Ban Thường Vụ Quốc Gia
Ngoài những trách vụ đã được Hội Đồng QG ủy quyền. Ban Thường Vụ QG còn có các trách vụ sau đây :
1. Họp định kỳ ít nhất 3 tháng một lần, dưới sự điều hành của Anh/Chị Phục Vụ QG hoặc Anh/Chị Phó Phục Vụ.
2. Duy trì sự liên lạc thường xuyên với Ban Chấp Hành Hội Đồng Quốc Tế Dòng Phan Sinh Tại Thế.
3. Đại diện chính thức cho Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam trong các liên hệ với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam .
4. Xem xét và quyết định việc thành lập các huynh đệ đoàn miền và huynh đệ đoàn địa phương.

ĐIỀU 11: Trách Vụ Của Các Thành Viên Ban Thường Vụ Quốc Gia
1. Trách vụ của Anh/Chị Phục Vụ và Anh/Chị Phó Phục Vụ QG đã được quy định cụ thể tại Điều 51.2 ; 52.1 ; và 67.2 trong THC.
2. Trách vụ của Anh/Chị Phụ Trách Huấn Luyện QG :
a. Hợp tác với Ban Thường Vụ QG để sưu tập, soạn thảo, in ấn và phổ biến các tài liệu học tập.
b. Về việc thường huấn : hợp tác với vị Trợ Úy Quốc Gia để nghiên cứu, lựa chọn đề tài, soạn thảo các bài học, phổ biến cho các miền và địa phương học tập theo từng năm một.
c. Khi cần thiết, tổ chức các khóa huấn luyện cấp quốc gia, miền, và địa phương.
d. Báo cáo các sinh hoạt huấn luyến và hoàn cảnh cụ thể của chương trình huấn luyện cho từng miền tại buổi họp Ban Thường Vụ QG và Tu Nghị QG.
3. Trách vụ của Anh/Chị Thư Ký QG :
Ngoài các quy định tại Điều 52.2 trong Tổng Hiến Chương, còn có các trách vụ sau đây :
a. Ghi chép và lưu giữ các biên bản họp của Ban Thường Vụ QG và Tu nghị QG.
b. Có thể chọn cộng tác viên với sự chấp thuận của Ban Thường Vụ QG.
c. Phụ trách báo Huynh Đệ Phan Sinh.
4. Trách vụ của anh/chị thủ quỹ quốc gia :
Ngoài các quy định tại Điều 52.4 của Tổng Hiến Chương, còn có các trách vụ sau đây :
a. Báo cáo chi thu trong các phiên họp Ban Thường Vụ QG.
b. Quản trị các tài sản của Huynh Đệ Đoàn QG, dưới sự giám hộ của Ban Thường Vụ QG;
c. Cùng với một thành viên khác trong Ban Thường Vụ Quốc Gia đứng tên các tài khoản tại ngân hàng và ký các chứng phiếu hay lệnh phiếu chi trả trước sự chứng kiến của Anh/Chị Phục Vụ QG hoặc của một thành viên của Ban Thường Vụ QG đã được chỉ định.
d. Đề nghị mức thu niên liễm cho Huynh Đệ Đoàn QG.
e. Có thể chọn cộng tác viên với sự chấp thuận của Ban Thường Vụ QG.
f. Trong mọi hoàn cảnh việc chi tiêu phải có sự đồng ý của Anh/Chị Phục Vụ hay Anh/Chị Phó Phục Vụ nếu Anh/Chị Phục Vụ vắng mặt. Trong trường hợp không đồng thuận, quyết định cuối cùng thuộc về tất cả Ban Thường Vụ.

ĐIỀU 12: Nhiệm Kỳ Của Ban Thường Vụ Quốc Gia
1. Nhiệm kỳ của các thành viên Ban Thường Vụ QG là 3 năm ;
2. Trong trường hợp các trách vụ Phục Vụ và Phó Phục Vụ khuyết vị thì áp dụng Điều   81.1,2 trong Tổng Hiến Chương.
3. Khi trách vụ Phụ Trách Huấn Luyện, Thư Ký, Thủ Quỹ và bất cứ Ủy viên nào trong hai Ủy Viên khuyết vị, Ban Thường Vụ sẽ thay mặt Hội Đồng QG bầu chọn thành viên với đa số phiếu. Các Anh/Chị được bầu chọn sẽ giữ trách vụ của mình đến Tu Nghị bầu cử kế tiếp. Anh/Chị Phục Vụ QG có bổn phận thông báo bằng văn thư cho các Huynh Đệ Đoàn Miền về việc thay đổi nhân sự này .

CHƯƠNG II
HUYNH ĐỆ ĐOÀN MIỀN

ĐIỀU 13: Định nghĩa
HĐĐ Miền là một tổ chức liên kết tất cả các HĐĐ Địa phương nằm trong một địa giới được xác định bởi HĐĐ QG, theo Điều 61 trong THC. HĐĐ QG phân thành mười sáu (16) Miền (tính đến tháng 04 năm 2013) như sau :
1. Hà Nội                                                                 9. Lâm Đồng
2. Vinh                                                                     10. Bà Rịa-Vũng Tàu
3. Vinh Bắc                                                             11. Sài Gòn Đông
4. Huế                                                                       12. Sài Gòn Tây
5. Đà Nẵng                                                               13. Cửu Long
6. Nha Trang                                                           14. Long Xuyên
7. Cam Ranh                                                          15. Phú Cường
8. Phan THiết                                                          16. Xuân Lộc


ĐIỀU 14: Hội Đồng Miền
1. Hội Đồng Miền linh hoạt và phối hợp trong phạm vi miền tất cả các HĐĐ Địa phương theo Điều 62.2 của Tổng Hiến Chương quy định.
2. Hội Đồng Miền gồm :
a.     Những thành viên được Tu Nghị Miền bầu chọn như ở Điều 15
b.     Anh/Chị Phục Vụ các HĐĐ Địa phương
c.     Anh/Chị đại diện HĐĐ Giới Trẻ Phan Sinh Miền (phải là Phan Sinh Tại Thế đã khấn trọn để có quyền biểu quyết)
d.    Các vị Trợ Úy Miền.
3. Hội Đồng Miền họp ít nhất 2 lần trong 1 năm.

ĐIỀU 15: Ban Thường Vụ Miền
1.      Ban Thường Vụ Miền sẽ thay mặt Hội Đồng Miền điều hành các sinh hoạt của các huynh đệ đoàn trong miền.
2.      Ban Thường Vụ Miền gồm :
a. Những thành viên được Tu Nghị Miền bầu chọn :
- Anh/Chị Phục Vụ
- Anh/Chị Phó Phục Vụ
- Anh/Chị Phụ Trách Huấn Luyện
- Anh/Chị Thư Ký
- Anh/Chị Thủ Quỹ
- Bốn (4) Anh/Chị Ủy Viên
b. Anh/Chị đại diện Huynh Đệ Đoàn Giới Trẻ Phan Sinh Miền (phải là Phan Sinh Tại Thế đã khấn trọn để có quyền biểu quyết)
c. (Các) vị Trợ Úy Miền
3.      Nhiệm kỳ của mỗi thành viên trong Ban Thường Vụ Miền là 3 năm

ĐIỀU 16: Trách Vụ Của Ban Thường Vụ Miền
Trách vụ của Ban Thường Vụ Miền là
1. Họp định kỳ 2 tháng một lần dưới sự điều hành của anh/chị Phục Vụ Miền.
2. Duy trì sự liên lạc thường xuyên với Ban Thường Vụ Quốc Gia.
3. Đại diện chính thức cho Huynh Đệ Đoàn Miền trong các liên hệ với (các) Giám Mục sở tại.
4. Góp ý kiến và chuyển đơn xin thành lập các huynh đệ đoàn địa phương lên Ban Thường Vụ Quốc Gia để trình lên vị Giám tỉnh Dòng Nhất.
5. Thay mặt Hội Đồng Miền trong việc cổ vũ, linh hoạt, phối hợp đời sống và sinh hoạt của các huynh đệ đoàn địa phương trong miền.
6. Hàng năm phải làm báo cáo tổng kết thường niên gửi lên Ban thường vụ quốc gia chậm nhất là cuối tháng 11.

TU NGHỊ MIỀN

ĐIỀU 17: Triệu tập
1. Tu nghị miền là tổ chức đại diện cho tất cả các Huynh đệ đoàn hiện có trong một Huynh đệ đoàn miền (x.THC 64)
2. Tu nghị miền được triệu tập ba năm một lần, để bầu chọn các trách vụ điều hành của Huynh đệ đoàn miền.
3. Thư mời tham dự Tu nghị miền phải được gửi đến các thành viên tối thiểu trước 30 ngày

ĐIỀU 18: Thành phần
Thành phần tham dự tu nghị miền gồm có:
- Các thành viên đương nhiệm của Hội Đồng Miền
- Những anh/chị PSTT đã khấn trọn được Ban Thường Vụ Miền mời tham dự, không có quyền biểu quyết.

ĐIỀU 19: Thẩm quyền
1. Tu nghị miền xem xét các bản báo cáo do Ban thường vụ miền trình bày, cũng như thảo luận về bản đề nghị của Ban thường vụ cho nhiệm kỳ kế tiếp.
2. Tu nghị miền có quyền xem xét, bổ sung, sửa chữa và biểu quyết chấp thuận Nội quy miền. Nội quy Miền sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được BTV QG phê duyệt.
3. Tu nghị miền đề ra những đường hướng cho sự phát triển đời sống của Dòng Phan Sinh Tại Thế trong miền.
4. Tu nghị miền xem xét các vấn đề liên quan đến điều hành nhân sự, huấn luyện, phúc âm hóa và tài chánh của HĐĐ Miền.
5. Tu nghị bầu chọn :
-        Anh/Chị phục vụ,
-        Anh/Chị phó phục vụ,
-        Anh/Chị phụ trách huấn luyện,
-        Anh/Chị thư ký,
-        Anh/Chị thủ quỹ
-        Bốn (4) Anh/Chị ủy viên.

CHƯƠNG III
HUYNH ĐỆ ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG

ĐIỀU 20: Định nghĩa
1. Huynh đệ đoàn địa phương là tế bào cơ bản của Dòng Phan Sinh Tại Thế. Huynh đệ đoàn Địa phương cố gắng trở thành một cộng đoàn yêu thương, dấn thân phục vụ nước Thiên Chúa.
2. Huynh đệ đoàn địa phương gồm những “anh  chị em Phan sinh Tại thế nhờ Bí Tích Thánh Tẩy và lời hứa sống Phúc Âm, loan báo Đức Kitô bằng đời sống và bằng lời nói của mình.” (THC, Điều 17.1).
3. Các thành viên của Huynh đệ đoàn Địa phương phải đích thân hiện diện, phải làm chứng tá, phải cầu nguyện và cộng tác tích cực theo khả năng của mỗi người và theo sự dấn thân linh hoạt Huynh đệ đoàn (THC, Điều 30.2)

HỘI ĐỒNG HUYNH ĐỆ ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG

ĐIỀU 21: Thành phần
Hội đồng Huynh  đệ đoàn địa phương gồm :
-   Anh/Chị phục vụ
-   Anh/Chị phó phục vụ
-   Anh/Chị phụ trách huấn luyện
-   Anh/Chị thư ký
-   Anh/Chị thủ quỹ
-   Số Anh/Chị ủy viên được quyết định tùy theo tu nghị địa phương, nhưng không quá 3.
-   Vị trợ úy Huynh đệ đoàn
-   Đại diện Huynh đệ đoàn Giới trẻ Phan sinh cùng cấp (phải là Phan sinh Tại thế đã khấn trọn để có quyền biểu quyết)
-    
ĐIỀU 22: Trách Vụ Của Hội Đồng Huynh Đệ Đoàn
Huynh đệ đoàn địa phương phải được linh hoạt và điều hành bởi một Hội đồng và một Anh/Chị phục vụ được các thành viên đã khấn trong Huynh đệ đoàn bầu chọn (THC 49)
Ngoài các trách vụ mà Tổng Hiến Chương Điều 50 quy định. Hội đồng Huynh đệ đoàn địa phương còn có trách vụ :
1. Họp định kỳ mỗi tháng một lần để chuẩn bị chương trình cho buổi họp của Huynh đệ đoàn.
2. Duy trì sự liên lạc thường xuyên với Ban thường vụ Miền
3. Trong tình liên đới, quan tâm đến các Huynh đệ đoàn bạn và sẵn sàng giúp đỡ, nhất là đối với các Huynh đệ đoàn đang phát triển.
4. Trong sự hiệp thông, cộng tác với các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ, dưới sự điều hành của Linh mục quản xứ.
5. Hàng năm phải làm báo cáo thường niên nộp lên cho Ban thường vụ Miền chậm nhất là cuối tháng 10.

TU NGHỊ ĐỊA PHƯƠNG

ĐIỀU 23: Triệu tập - Thành phần - Thẩm quyền
1. Tu nghị địa phương được triệu tập 3 năm 1 lần để bầu chọn các trách vụ điều hành Huynh đệ đoàn địa phương.
2. Tu nghị địa phương xem xét các báo cáo và cân nhắc bản đề nghị cho nhiệm kỳ kế tiếp được Anh/Chị phục vụ thay mặt Hội đồng Địa phương trình bày.
3. Tu nghị địa phương gồm các thành viên Hội đồng mãn nhiệm và tất cả anh chị em PSTT đã khấn trọn và khấn tạm trong Huynh đệ đoàn.
4. Quyền tham dự Tu nghị và quyền được bầu chọn vào trách vụ được quy định trong Điều 77 của THC.
5. Việc triệu tập tu nghị được thông báo trước ít là 30 ngày (THC điều 76.1).
6. ACE có muốn xác định một con số tối thiểu khác như Điều 77.4 trong THC cho phép?
Anh Benedetto Lino, vị Kinh lý Huynh đệ cho HĐĐ QG gợi ý: thiết lập một tiêu chuẩn rõ ràng bởi vì thường xuyên trong HĐĐ Địa phương sẽ có người đau ốm hoặc những người không thể đến tham dự Tu nghị và do đó khó có thể đạt được con số tối thiểu để bầu cử hợp lệ. Thí dụ ACE có thể quyết định 1/3 của những người có quyền bầu cử có mặt là đủ, hoặc những người không thể tham dự đã đưa ra bằng chứng cho việc đó (đau ốm hoặc lý do hợp lệ về gia đình hay công việc) có thể được trừ vào tổng số để tính toán con số tối thiểu.

BUỔI HỌP CỦA HUYNH ĐỆ ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG

ĐIỀU 24
1. Theo Điều 53.1 cảu THC, Huynh đệ đoàn Địa phương phải tạo cơ hội cho các thành viên gặp gỡ nhau tối thiểu mỗi tháng 1 lần trong buổi họp chính thức của Huynh đệ đoàn. Thời gian sinh hoạt tối thiểu là 90 phút.
2. Ngoài những sinh hoạt khác, nội dung hội họp có thể gồm những mục sau đây:
-   Khai mạc ( theo sách nghi thức )
-   Đọc Bút tích Cha Thánh
-   Kiểm diện
-   Đọc biên bản buổi họp lần trước
-   Phần thường huấn, học tập
-   Tin tức
-   Sinh hoạt nội bộ
-   Lời nhắn nhủ của Trợ úy
-   Bế mạc theo sách Nghi Thức

CHƯƠNG IV
HUẤN LUYỆN - THC Điều 37 - 44

ĐIỀU 25:
1. Việc huấn luyện trong mọi giai đoạn rất cần thiết để giúp anh chị em am tường lối sống phan sinh và trung thành tuân giữ Luật Đòng. Vì vậy Hội đồng các cấp phải coi trọng việc huấn luyện và phải làm sao cho mọi anh chị em nhận được một nền huấn luyện đầy đủ và liên tục.
2. Vì mọi sinh hoạt đều giúp ích cho việc huấn luyện, anh chị em phải tham dự mọi sinh hoạt do Hội đồng các cấp đề ra, cho dù đó những buổi họp thường kỳ, các khóa huấn luyện, sinh hoạt tông đồ, linh thao như các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, v.v…

ĐIỀU 26: Các Giai Đoạn Huấn Luyện
Việc huấn luyện của anh chị em phải theo các chỉ dẫn của Luật Dòng, Tổng Hiến Chương, và các đường hướng huấn luyện do Ban Chấp Hành Hội Đồng Quốc Tế và Huynh Đệ Đoàn QG đề ra.

Các giai đoạn gồm có :
-         Thời kỳ khai tâm
-         Thời kỳ huấn luyện khởi đầu
-         Thời kỳ huấn luyện thường xuyên

ĐIỀU 27: Thời Kỳ Khai Tâm
1. Thời kỳ khai tâm gồm có 1 thời gian dự thính (3 tháng) và một thời gian tìm hiểu (6 tháng)
Trong khoảng thời gian này, người giới thiệu hãy đồng hành với ứng sinh cách đặc biệt.
2. Các ứng sinh được giúp đỡ tìm hiểu về Thánh Phanxicô, Đấng sáng lập Dòng, cũng như mục đích và tổ chức của Dòng Phan Sinh Tại Thế.
3. Có thể được miễn trừ thời gian khai tâm đối với :
-         Các vị Linh mục triều ;
-         Các cựu chủng sinh Dòng Nhất ;
-         Các người trẻ đã tuyên khấn trong Huynh đệ đoàn Giới trẻ Phan sinh

ĐIỀU 28: Thời Kỳ Huấn Luyện Khởi Đầu
1. Thời kỳ huấn luyện khởi đầu (chuyên tập) bắt đầu lúc ứng sinh nhập Dòng (gia nhập HĐĐ) và kết thúc khi ứng sinh tuyên khấn vĩnh viễn.
2. Thời kỳ huấn luyện khởi đầu là hai năm trọn. Thời kỳ này có thể kéo dài hơn nếu việc huấn luyện bị gián đoạn với lý do chính đáng hoặc đối với trường hợp khấn tạm.
3. Chương trình huấn luyện trong thời kỳ này được quy định theo Điều 40 của THC.
4. Dựa theo đơn thỉnh cầu của khấn sinh, Hội đồng HĐĐ địa phương sẽ quyết định viẹc tuyên khấn là tạm thời hoặc vĩnh viễn. (THC, Điều 41)
5. Tuổi tối thiểu để được dấn thân tuyên khấn trong Dòng Phan Sinh Tại Thế là 20 tuổi.

ĐIỀU 29: Huấn Luyện Thường Xuyên
Ban thường vụ HĐĐ QG sẽ hướng dẫn chương trình huấn luyện thường xuyên.

ĐIỀU 30: Cổ Võ Ơn Gọi
“Khơi dậy các ơn gọi cho Huynh đệ đoàn là bổn phận của tất cả anh chị em và là một dấu chỉ sức sống của chính các Huynh đệ đoàn” (THC 45.1). Vậy các Huynh đệ đoàn địa phương hãy dùng các phương thế như cầu nguyện, làm chứng tá mà Tổng Hiến Chương đề ra (THC 45.1-2). Ngoài ra mỗi anh chị em hãy tìm mọi cách giới thiệu thánh Phanxicô và ơn gọi Dòng Phan Sinh Tại Thế cho anh chị em trong giáo xứ địa phương của mình, mời các cảm tình viên tham dự các phiên họp, các buổi lễ, đặc biệt trong các biến cố quan trọng như lễ Cha Thánh, lễ bổn mạng, lễ khấn hứa…Và nhất là mỗi anh chị em hãy cổ võ ơn gọi Dòng Phan Sinh Tại Thế trong gia đình ruột thịt mình.


HIỆP THÔNG HUYNH ĐỆ

ĐIỀU 31:
Đại gia đình phan sinh tại Việt Nam hiện nay gồm có các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn, các nữ đan sĩ Dòng Thánh Clara, các nữ tu Dòng Thừa Sai Đức Mẹ, anh chị em Phan Sinh Tại Thế , Giới Trẻ Phan Sinh và các Cựu Phan Sinh. Chúng ta hãy “sống sự hiệp thông và sự hỗ tương cốt thiết với mọi thành phần của gia đình Phan sinh” như Điều 98.1 của Tổng Hiến Chương.

ĐIỀU 32:
1. Ơn gọi  vào Dòng PSTT là ơn gọi đặc thù định hình cho toàn bộ cuộc sống của các thành viên trong Dòng. Do đó ACE không nên tham gia các đoàn thể nào đòi hỏi sự dân sthân trọn vẹn hoặc có thể ngăn cản ACE hoàn thành trọn vẹn sứ vụ và ơn gọi PSTT.
2. Anh chị em hãy chứng tỏ sự đồng trách nhiệm của mình đối với Huynh đệ đoàn qua việc thường xuyên và đích thân hiện diện trong các buổi họp, cộng tác tích cực với Huynh đệ đoàn theo khả năng của mỗi người và theo sự dấn thân linh hoạt Huynh đệ đoàn (THC, Điều 30.2).
3. Các anh chị em, vì lý do chính đáng, không thể tham dự các buổi họp thường kỳ của Huynh đệ đoàn địa phương cách liên tục, cần được duy trì sự liên lạc và được giúp đỡ bằng mọi các có thể. Các thành viên này không có quyền bầu cử và ứng cử cũng như không buộc phải đóng góp niên liễm. Các ngăn trở chính đáng là : đau ốm nặng, già cả, đi xa.
4. Các anh chị em thường xuyên vắng mặt trong các buổi họp Huynh đệ đoàn địa phương mà không có lý do chính đáng thì Hội đồng HĐĐ địa phương sẽ nhắc nhở. Nếu sau khi được , anh chị nào vẫn tiếp tục vắng mặt thì việc đình chỉ sinh hoạt sẽ được xem xét qua việc đối thoại huynh đệ với anh chị em này. Hội đồng có thể áp dụng Điều 56 và 57 của Tổng Hiến Chương.

ĐIỀU 33:
Khi một anh chị em qua đời, Huynh đệ đoàn địa phương xin một Thánh lễ cầu nguyện cho người quá cố. Anh chị em trong Huynh đệ đoàn có bổn phận tham dự Thánh lễ này.
Ngày 29/11 hàng năm là ngày gia đình Phan sinh cầu nguyện cho các thành viên đã qua đời, Huynh đệ đoàn khuyến khích các thành viên tham dự.

HUYNH ĐỆ ĐOÀN KHÔNG CÒN ĐIỀU KIỆN SINH HOẠT

ĐIỀU 34:
Trường hợp các HĐĐ địa phương còn ít hơn năm (5) thành viên đã tuyên khấn vĩnh viễn, BTV miền có nhiệm vụ thông báo cho vị Bề trên Thượng cấp có thẩm quyền (THC, Điều 88). Vị Bề trên này, với sự đồng ý của BTV QG và Miền, có thể áp dụng các giải pháp sau:
1.      Sáp nhập HĐĐ này vào một HĐĐ khác.
2.      Đặt HĐĐ này dưới sự bảo trợ của một HĐĐ cấp cao hơn.

GIỚI TRẺ PHAN SINH

ĐIỀU 35:
1. Được thúc đẩy bởi ước muốn được chia sẻ đoàn sủng của Thánh Phanxico với Giới trẻ và Thiếu nhi, tất cả các Huynh đệ đoàn địa phương hãy tổ chức Giới trẻ Phan sinh và, nơi nào có thể, cả Thiếu nhi Phan sinh.
2. Các Huynh đệ đoàn địa phương hãy quan tâm đến sức sống và sự phát triển của các Huynh đệ đoàn Giới trẻ Phan sinh này và hãy tuân giữ các điều khoản về Giới trẻ Phan sinh đã được Tổng Hiến Chương quy định trong các điều 96 và 97.

QUẢN TRỊ TÀI SẢN
(Áp dụng cho tất cả các cấp)

ĐIỀU 36:
1. Việc quản trị tài sản của Huynh đệ đoàn các cấp do Hội đồng chịu trách nhiệm. Anh/Chị thủ quỹ sẽ nhân danh Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trong việc chi thu. Hằng tháng, Anh/Chị thủ quỹ phải báo cáo tài chính cho Hội đồng hoặc Ban thường vụ.
2. Trong hoàn cảnh hiện nay Dòng Phan Sinh Tại Thế ở các cấp chưa có tư cách pháp nhân dân sự. Vì vậy việc thủ đắc bất động sản do ban tặng hoặc mua bán được thực hiện theo thể thức “cho thuê”, nghĩa là người bán hoặc người cho thuê chỉ đứng tên, nhưng quyền sử dụng và sở hữu thuộc về Dòng Phan Sinh Tại Thế các cấp. Tuy nhiên, cần có một giấy thỏa thuận  giữa đôi bên và được bề trên Dòng Nhất hoặc giáo quyền xác nhận.

CÁC ĐIỀU KHOẢN KHÁC

ĐIỀU 37.
Các Huynh đệ đoàn địa phương và miền có quyền soạn thảo Nội quy riêng cho Huynh đệ đoàn mình, nếu cần, nhưng phải phù hợp với Luật Dòng, Tổng Hiến Chương, Nội quy quốc gia và phải được phê chuẩn của Ban Thường Vụ của HĐĐ cấp cao hơn.

ĐIỀU 38.
Hội đồng Quốc gia có thể đề nghị các tu chính cho Nội quy Quốc gia sau khi tham khảo ý kiến tư vấn của Hội đồng Miền và Địa phương.
Việc tu chính đó chỉ có hiệu lực khi được hai phần ba các thành viên của Tu nghị Quốc gia chấp thuận.
Tu chính này phải được sự chấp thuận cuối cùng của Ban Chấp Hành Hội Đồng Quốc Tế Dòng PSTT.

Tất cả 38 điều khoản trong bản Nội quy Quốc gia này của Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam đã được soạn thảo và chấp thuận tại Tu nghị Quốc gia ngày 28 tháng 3 năm 2004.

                                                                                                       
                                                                                       Làm tại Dakao, ngày 1 tháng 4 năm 2004

           Lm Trợ úy Quốc gia                                                             Phục vụ Quốc gia
                                     



Iréné Nguyễn Thanh Minh, OFM                                        P.X. Nguyễn Duy Hưng, OFS


PHÊ CHUẨN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét